ĐĂNG KÝ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI 2021
Mục lục
Hiện nay, nhu cầu về nhượng quyền thương mại ngày càng tăng, vì các thương nhân ngày càng muốn phát triển thương hiện của mình. Vậy điều kiện để thương nhân có thể nhượng quyền thương mại là gì? Qua bài viết này Luật Doanh Trí sẽ giải đáp cho các quý vị khách hàng thắc mắc trên.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật thương mại 2005;
- Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ công thương.
II. Điều kiện về chủ thể nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định. Hợp đồng nhượng quyền thương mại là hợp đồng hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng một sản phẩm hoặc một quy trình hoạt động là một đối tượng sở hữu công nghiệp và đang được bảo hộ. Nhượng quyền thương mại liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác.
Điều kiện nhượng quyền thương mại là những yếu tố mà pháp luật yêu cầu bên nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền thương mại cần đáp ứng được khi nhượng quyền thương mại, cụ thể như sau:
Đối với bên nhượng quyền thương mại
Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.
+ Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
+ Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định tại Điều 7 của Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Đối với bên nhận nhượng quyền thương mại
Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Lưu ý:
– Điều 7 Nghị định 35/2006/NĐ-CP
“1. Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.
2. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.”
– Điều 18 Nghị định 35/2006/NĐ-CP
“1. Bộ Thương mại thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại sau đây:
a) Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam;
b) Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ lãnh thổ Việt Nam vào Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Sở Thương mại, Sở Thương mại Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến nhượng quyền đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký đối với hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước trừ hoạt động chuyển giao qua ranh giới Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
III. Điều kiện về hợp đồng nhượng quyền thương mại
Ngoài các điều kiện về chủ thể như ở phần đầu tiên chúng tôi đã đề cập, hợp đồng nhượng quyền thương mại cần phải đáp ứng các điều kiện nhượng quyền thương mại khác:
- Về hình thức:
+ Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
+ Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.
- Về nội dung:
Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Nội dung của quyền thương mại.
+ Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
+ Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
+ Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
+ Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
+ Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Đặc biệt, nội dụng của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trong đó:
+ Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
+ Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
IV. Điều kiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài khi đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Cơ quan có thẩm quyền phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố sau:
– Hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bao gồm:
– Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu do Bộ Thương mại hướng dẫn.
– Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu do Bộ Thương mại quy định.
– Các văn bản xác nhận về:
+ Tư cách pháp lý của bên dự kiến nhượng quyền thương mại;
+ Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Trên đây là những thông tin về "Đăng ký nhượng quyền thương mại năm 2021.” Để biết thêm thông tin chi tiết và tư vấn về vấn đề này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Doanh Trí theo một trong các phương thức sau: