Đang gửi...

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÁ NHÂN MỚI NHẤT NĂM 2022

Lượt xem 165
Lao động là quá trình con người tác động vào thiên nhiên để tạo ra một lượng của cải vật chất nhất định. Trong thời đại ngày nay vai trò của lao động ngày càng quan trọng đối với con người. Tuy nhiên, trong quá trình lao động cũng phát sinh không ít các tranh chấp lao động; đặc biệt là những tranh chấp lao động cá nhân. Vậy trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định định như thế nào? Để giúp quý khách hàng nắm rõ được những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này. Luật Doanh Trí xin trân trọng gửi đến quý khách hàng một số thông tin hữu ích thông qua bài viết “Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân mới nhất năm 2022”.

Mục lục

I. Cơ sở pháp lý

- Bộ Luật lao động 2019;

- Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

II. Khái niệm

- Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa cá nhân người lao động và người sử dụng lao động về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.

- Tranh chấp lao động cá nhân là loại tranh chấp phổ biến diễn ra trong quan hệ lao động, xuất phát từ mâu thuẫn giữa quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai bên người lao động và chủ sử dụng lao động, những tranh chấp lao động cá nhân gây ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ lao động, tới cá nhân người lao động và tới doanh nghiệp.

- Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là trên cơ sở quy định của pháp luật hai bên người lao động và chủ sử dụng lao động giải quyết những tranh chấp bất đồng của mình nhằm đạt được lợi ích mong muôn của các bên.

III. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật lao động năm 2019 cụ thể:

- Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

- Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

- Bảo đảm sự tham gia của đại diện giữa các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

- Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật lao động năm 2019 về cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết, cụ thể:

“Khi tranh chấp lao động đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn theo quy định của Bộ luật này thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia”.

IV. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật lao động 2019, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

- Hòa giải viên lao động.

- Hội đồng trọng tài lao động.

- Tòa án nhân dân.

V. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động 2019:

- Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

- Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.

- Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

- Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

- Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;

- Yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động

- Giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp lao động mà theo đó Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền đứng ra giải quyết các tranh chấp lao động trên cơ sở những quy tắc nhất định theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên tranh chấp hoặc theo quy định của pháp luật bằng phán quyết trọng tài có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp.

- Bước 1: Thụ lí vụ việc tranh chấp

Trọng tài lao động không phải là thủ tục mang tính bắt buộc mà dựa trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện của các bên tranh chấp. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Hội đồng trọng tài. Thư ký Hội đồng trọng tài là người tiếp nhận đơn và tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc thụ lý đơn yêu cầu.

Các thủ tục cần thiết cho việc thụ lý đơn yêu cầu phải tiến hành bao gồm:

+ Xác định tranh chấp được yêu cầu giải quyết có thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài lao động hay không?

+ Xác định có phải các bên đều đồng thuận yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp hay không hay chỉ là yêu cầu của một bên tranh chấp?

+ Nội dung đơn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu luật định hay chưa?

+ Đề nghị các bên tranh chấp cung cấp các chứng cứ, tài liệu xác thực liên

quan tới vụ tranh chấp;

+ Trình Chủ tịch Hội đồng trọng tài duyệt thụ lý;

+ Vào sổ thụ lý sau khi Chủ tịch Hội đồng trọng tài đã duyệt thụ lý.

- Bước 2: Chuẩn bị giải quyết tranh chấp lao động

Để trọng tài lao động đạt kết quả cao, công tác chuẩn bị giải quyết tranh chấp cần được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn thận. Chuẩn bị giải quyết tranh chấp lao động là quá trình Hội đồng trọng tài lao động tiến hành những công việc cần thiết để tiến tới ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp đối với vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã thụ lý.Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài ra quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết vụ tranh chấp.

Đối với Ban trọng tài, ngay sau khi nhận được Quyết định thành lập Ban trọng tài, cần nhanh chóng nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu vụ việc, yêu cầu thu thập thêm tài liệu, chứng cứ và tiếp xúc với các bên tranh chấp (nếu thấy cần thiết), dự kiến ban đầu phương án giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, các công việc khác như chuẩn bị địa điểm tiến hành phiên họp Ban trọng tài cũng phải được thực hiện chu đáo để đảm bảo phiên họp được diễn ra theo đúng thời gian và đạt hiệu quả.

- Bước 3: Tổ chức phiên họp Ban trọng tài giải quyết vụ tranh chấp

Phiên họp Ban trọng tài giải quyết vụ tranh chấp thường được tiến hành theo trình tự, thủ tục với các hoạt động cụ thể sau:

+ Khai mạc phiên họp

Trưởng Ban trọng tài giữ vai trò chủ trì phiên họp tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên Ban trọng tài tham gia giải quyết vụ tranh chấp, giới thiệu những người tham gia phiên họp, nói rõ vị trí, vai trò của Ban trọng tài, các bên tranh chấp, người làm chứng... và hướng dẫn những phần việc cụ thể phải tiến hành.

Nếu Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động thì trọng tài viên sẽ đảm nhận vai trò và tiến hành các hoạt động này.

+ Tiến hành phiên họp

Phiên họp xử trọng tài có thể diễn ra theo tuần tự sau:

Trước hết, tuần tự các bên tranh chấp trình bày và gọi nhân chứng của mình (nếu có) để thẩm tra chung và thẩm tra chéo. Trong giai đoạn này, Ban trọng tài có thể đặt những câu hỏi cho các bên tranh chấp và nhân chứng nếu thấy cần thiết.

Các bên tranh chấp cũng có quyền đệ trình thêm chứng cứ, phản hồi lại những gì bên kia đưa ra.Tiếp theo, Trưởng Ban trọng tài cho ngừng phiên họp để Ban trọng tài thảo luận và thông qua quyết định giải quyết tranh chấp. Các thành viên Ban trọng tài đều có quyền thảo luận và biểu quyết thông qua quyết định này bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài phải được đa số thành viên Ban trọng tài đồng ý.

- Bước 4: Ban hành Quyết định về việc giải quyết vụ tranh chấp

Ban trọng tài lao động cần phải tổ chức phiên họp và kết thúc việc giải quyết tranh chấp trong thời gian luật định. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

3. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Tòa án.

Bước 1: Nộp đơn khởi kiên đến Tòa án có thẩm quyền 

Bước 2: Tòa án xem xét, thụ lý vụ án

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí

Bước 4: Tòa án tiến hành hòa giải

– Nếu hòa giải thành, Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.

– Trường hợp hòa giải không thành, Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Mở phiên xét xử giải quyết tranh chấp lao động và ra bản án.

VI. Các tranh chấp lao động cá nhân sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ Luật lao động 2019 chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Trên đây là những thông tin về “Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân mới nhất năm 2022”. Để biết thêm thông tin chi tiết và tư vấn về vấn đề này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Doanh Trí theo một trong các phương thức sau:

Hotline: 024 88 83 83 83

Email: [email protected]

Luật Doanh Trí rất hân hạnh khi được đồng hành cùng Quý Khách hàng!

Trân trọng./.

 

Bài viết ngày được thực hiện bởi: Nguyễn Thị Thuỳ Trang

Chức vụ: Giám đốc công ty

Lĩnh vực tư vấn: Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp

Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA

Số năm kinh nghiệm thực tế: 10 năm

CÔNG TY TNHH
LUẬT DOANH TRÍ

TƯ VẤN PHÁP LUẬT
MIỄN PHÍ 24/7

1900 66 99 39

ĐẶT HẸN LUẬT SƯ, YÊU
CẦU DỊCH VỤ

024.88.83.83.83

Liên hệ với chúng tôi

Banner phải