Quy định về Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Mục lục
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là một trong các loại văn bằng bảo hộ được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là căn cứ để ghi nhận quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đối với nhãn hiệu đã được đăng ký và chấp thuận bảo hộ. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được quy định cụ thể về hiệu lực, việc gia hạn, sửa đổi,… trong pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
1. Khái niệm, bản chất
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là một loại văn bằng bảo hộ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì:
“Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (sau đây gọi là chủ văn bằng bảo hộ); tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ.”
Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bao gồm các nội dung cơ bản là: chủ sở hữu nhãn hiệu; đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ nhãn hiệu. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp sau khi chủ nhãn hiệu tiến hành đăng ký bảo hộ và nhãn hiệu được thẩm định đảm bảo các điều kiện bảo hộ theo quy định.
2. Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tức là, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu của chủ sở hữu sẽ được công nhận và bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Như vậy, nếu liên tục gia hạn, nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được bảo hộ mà không bị giới hạn về thời hạn bảo hộ.
3. Gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Để gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.
Trong vòng 06 tháng trước ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ và nộp lệ phí gia hạn theo mức lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ do Chính phủ quy định. Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực và chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
- Hồ sơ gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);
- Giấy uỷ quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
- Bản sao chứng từ nộp lệ phí gia hạn, công bố quyết định gia hạn và đăng bạ quyết định gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quy định.
- Quy trình gia hạn văn bằng bảo hộ cụ thể như sau:
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét đơn yêu cầu gia hạn trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn. Trường hợp đơn không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định gia hạn, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối, nếu đơn yêu cầu gia hạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đơn yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;
- Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ văn bằng bảo hộ tương ứng.
Nếu trong thời hạn đã ấn định, người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối gia hạn.
4. Chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
- Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí gia hạn hiệu lực theo quy định.
- Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp.
- Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp.
- Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
5. Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
- Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.
Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.
Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.
6. Sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sửa đổi những thông tin sau đây trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với điều kiện phải nộp phí, lệ phí:
- Thay đổi, sửa chữa thiếu sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ.
- Sửa đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Theo yêu cầu của chủ văn bằng bảo hộ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm sửa chữa những thiếu sót trong văn bằng bảo hộ do lỗi của cơ quan đó. Trong trường hợp này, chủ văn bằng bảo hộ không phải nộp phí, lệ phí.
Trên đây là các thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ Luật Doanh Trí.
Hotline: 0962.515.363 hoặc Email: [email protected]
Luật Doanh Trí hân hạnh được đồng hành và hợp tác cùng Quý khách!
Bài viết ngày được thực hiện bởi: adconline
Chức vụ: Giám đốc công ty
Lĩnh vực tư vấn: Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp
Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA
Số năm kinh nghiệm thực tế: 10 năm
CÔNG TY TNHH
LUẬT DOANH TRÍ
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
MIỄN PHÍ 24/7
ĐẶT HẸN LUẬT SƯ, YÊU
CẦU DỊCH VỤ
Mục khác
- ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI MỚI NHẤT NĂM 2022
- BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ TẠI TỈNH NAM ĐỊNH MỚI NHẤT NĂM 2022
- HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN MỚI NHẤT NĂM 2022
- HỒ SƠ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ NĂM 2022 TẠI BÁC NINH
- ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT MỚI NHẤT NĂM 2022
- THỦ TỤC GIA HẠN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP MỚI NHẤT NĂM 2022
- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ TÊN THƯƠNG MẠI MỚI NHẤT NĂM 2022
- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN WEBSITE TẠI QUẢNG NINH MỚI NHẤT NĂM 2022
- Cập nhật những quy định mới về trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu
- Đăng ký bản quyền tác giả cho logo thương hiệu
- Ba điều cần biết trước khi đăng ký bản quyền tác giả
- Thuê người viết bài có vi phạm pháp luật không?
- Nhãn hiệu không phải nhãn hàng hoá - Một số khái niệm dễ nhầm lẫn với nhãn hiệu