Đăng kí nhãn hiệu quốc tế
Mục lục
Ở Việt Nam, để nhãn hiệu của Việt Nam được bảo hộ tại nước ngoài thì nhãn hiệu đó cũng cần được đăng kí tại quốc gia mà chủ thể tạo ra/sở hữu nhãn hiệu muốn được bảo hộ. Hiện nay, có nhiều cách thức khác nhau để nhãn hiệu của Việt Nam có thể được đăng kí bảo hộ tại nước ngoài. Trong bài viết này, Luật Doanh Trí xin được trân trọng giới thiệu cùng Quý Khách hàng các thông tin cơ bản về đăng kí nhãn hiệu tại nước ngoài, cũng như các cách thức đăng kí nhãn hiệu quốc tế để Quý khách tham khảo.
1. Khái niệm nhãn hiệu
Nhãn hiệu (Trade Mark) là một khái niệm được sử dụng rộng rãi từ lâu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Khái niệm về nhãn hiệu được chuẩn hoá trong ngành luật Việt Nam và quốc tế, cụ thể, theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”.
Tại Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT 2009 quy định nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Theo đó, nhãn hiệu có thể hiểu là những từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng,… giúp khách hàng nhận diện bên ngoài của hàng hóa và nó thay đổi theo các yếu tố tác động bên ngoài nhất định như thị hiếu nguời tiêu dùng,…
2. Nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài
Để có thể bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài, cần tiến hành đăng kí nhãn hiệu tại quốc gia mà chủ sở hữu nhãn hiệu mong muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ. Theo đó, khi tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, các chủ đơn phải tuân theo các nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài như sau:
Nguyên tắc lãnh thổ: Nhãn hiệu đăng ký bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ, nghĩa là đăng ký ở nước nào đó thì chỉ có hiệu lực ở nước đó. Để bảo vệ quyền sở hữu độc quyền đối với nhãn hiệu đó, người ta phải đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng về Sở hữu trí tuệ. Việc bảo hộ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu hàng hóa đăng ký.
Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên: Điều này thể hiện trong trường hợp các nhãn hiệu nộp đơn đăng ký trùng nhau thì nhãn hiệu sẽ được ưu tiên cho người nộp đơn đầu tiên. Mục đích chính là tránh tình trạng ăn cắp, làm nhái, bắt chước các nhãn hiệu đã được bảo hộ. Nguyên tắc này được quy định cụ thể trong các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Công ước Paris).
Như vậy, dù nhãn hiệu của doanh nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam thì không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu sẽ được bảo hộ tại các quốc gia khác. Các doanh nghiệp trong nước cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài và kịp thời nộp đơn đăng ký tại quốc gia mình đã và dự định xuất khẩu hàng hóa tới trước khi có doanh nghiệp khác đăng ký đầu tiên.
3. Ý nghĩa của việc đăng kí nhãn hiệu quốc tế
Trước hết, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giúp cho người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm/ dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau - đây là ý nghĩa cơ bản và quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, một nhãn hiệu đã được đăng ký là điều kiện pháp lý quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu cho chiến lược phát triển bền vững của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là việc quảng cáo, marketing cho sản phẩm. Đồng thời sẽ tạo uy tín trong thị trường đối với sản phẩm của tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu. Việc đăng ký nhãn hiệu còn giúp cho nhà sản xuất ý thức được việc duy trì chất lượng sản phẩm, không xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng và cũng là căn cứ quan trọng cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sản phẩm.
Việc đăng kí nhãn hiệu tại nước ngoài nhằm mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường quốc tế, đặc biệt trong thời kì hội nhập, thương mại quốc tế phát triển nhanh chóng như hiện nay.
4. Cách thức đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam tại nước ngoài
4.1. Đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam trực tiếp tại từng quốc gia
* Đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam trực tiếp tại từng quốc gia cùng là thành viên Công ước Paris
Công ước Paris không quy định các điều kiện nộp đơn và đăng ký nhãn hiệu mà dành việc này cho luật quốc gia của các nước thành viên. Việc đăng ký nhãn hiệu tại các nước thành viên khác nhau của Công ước hoàn toàn độc lập với nhau. Theo Công ước Paris, khi nhãn hiệu đã được đăng ký hợp lệ tại Việt Nam (nước xuất xứ), người đăng ký nhãn hiệu đó có thể nộp đơn bảo hộ ở nước ngoài với hình thức ban đầu của nhãn hiệu đó.
Việc nộp đơn được tiến hành theo cách nộp trực tiếp các đơn nhãn hiệu riêng biệt tại Văn phòng đăng ký nhãn hiệu của từng quốc gia theo Công ước Paris, tuân theo các thủ tục thẩm định tại từng quốc gia theo luật pháp của nước sở tại và quản lý, gia hạn đăng ký nhãn hiệu theo từng quốc gia. Theo đó, thủ tục nộp đơn sơ bộ theo Công ước Paris như sau: trước hết, phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày đơn được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ, có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của tại bất cứ quốc gia thành viên nào của Công ước Paris mà người nộp đơn muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ. Tuy nhiên, để đăng kí nhãn hiệu tại nước ngoài, người đăng kí nhãn hiệu bắt buộc phải tiến hành các thủ tục nộp đơn thông qua một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp ở quốc gia mà chủ nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu, trừ trường hợp có cơ sở kinh doanh, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện đang hoạt động thực sự tại nước đó.
Một lợi thế của việc nộp đơn theo công ước Paris là trong vòng 6 tháng kể từ ngày đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận, các đơn nộp sau sẽ được coi như nộp cùng ngày với ngày nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, một nhãn hiệu nếu đã nộp đơn đăng kí nhãn hiệu tại Việt Nam và được chấp thuận, thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được chấp thuận, khi chủ sở hữu nhãn hiệu của Việt Nam nộp đơn đăng kí nhãn hiệu tại các quốc gia thành viên của công ước Paris thì ngày nộp đơn tại các quốc gia đó sẽ được tính là ngày nộp đơn tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ngoài ra, khi nhãn hiệu được đăng ký tại một nước thành viên, đăng ký đó sẽ độc lập với đăng ký có thể có tại bất cứ nước thành viên nào khác, kể cả Việt Nam. Do đó, nếu đăng ký nhãn hiệu bị mất hiệu lực tại một nước thành viên của công ước Paris thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu đó tại các nước thành viên khác.
Nhãn hiệu Việt Nam đi đăng ký ở nước ngoài là nước thành viên của Công ước Paris có thể bị từ chối đăng ký, huỷ bỏ đăng ký và cấm sử dụng các nhãn hiệu nếu nhãn hiệu là bản sao chép, mô phỏng, hoặc dịch nghĩa có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được cơ quan có thẩm quyền của nước đó coi là nhãn hiệu nổi tiếng của người khác ở nước đó cho những hàng hoá cùng loại hoặc tương tự. Các nhãn hiệu chứa các biểu tượng quốc gia và các dấu hiệu chính thức mà không được phép, (với điều kiện các dấu hiệu, biểu tượng đó đã được thông báo cho Ban thư ký của WIPO), huy hiệu, cờ, các biểu tượng khác, các chữ viết tắt và tên của các tổ chức quốc tế liên chính phủ sẽ bị các nước thành viên của Công ước Paris từ chối đăng ký hoặc cấm sử dụng các nhãn hiệu.
* Đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam trực tiếp tại từng quốc gia không là thành viên Công ước Paris
Đối với các quốc gia không tham gia công ước Paris, việc đăng kí nhãn hiệu được tiến hành bằng việc nộp đơn đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam tại cơ quan đăng kí nhãn hiệu của quốc gia mà chủ nhãn hiệu muốn đăng kí bảo hộ. Tuy nhiên, việc đăng kí này sẽ không được “hưởng quyền ưu tiên” về ngày nộp đơn đầu tiên như trong quy định của Công ước Paris.
Việc đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam trực tiếp tại từng quốc gia có những ưu điểm và hạn chế nhất định, cụ thể:
Về ưu điểm, phương thức này thể hiện sự linh hoạt trong việc lựa chọn nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ và khu vực địa lý để nộp đơn đăng ký; sự độc lập về các quyền đối với nhãn hiệu được cấp tại các quốc gia, lãnh thổ khác nhau; sự linh hoạt khi tiến hành chuyển nhượng nhãn hiệu. Một nhãn hiệu có thể có nhiều phương án, tùy theo hệ thống nhận diện nhãn hiệu của doanh nghiệp và yêu cầu của từng thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ sử dụng nhãn hiệu, ví dụ màu sắc khác nhau, kiểu phông chữ khác nhau, phiên âm, dịch nghĩa của nhãn hiệu theo tiếng địa phương. Khi đăng ký nhãn hiệu theo phương thức trực tiếp tại từng quốc gia, trong trường hợp không xin hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn hoàn toàn có thể tùy ý lựa chọn phương án nhãn hiệu thích hợp để đăng ký tại từng quốc gia.
Về hạn chế, khi tiến hành đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam tại nước ngoài, chủ nhãn hiệu phải tìm hiểu luật pháp của nước mình đăng kí bảo hộ nhãn hiệu về trình tự thủ tục nộp đơn đăng ký, quy trình và quy chế thẩm định nhãn hiệu. Bên cạnh đó, việc đăng kí nhãn hiệu cần phải tiến hành tại từng quốc gia, mỗi quốc gia lại phải có đơn đăng kí riêng, phù hợp với pháp luật của từng nước. Chưa kể, việc đăng kí sẽ gặp nhiều khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, về thời gian và đặc biệt là chi phí cho việc đăng kí nhãn hiệu là rất lớn.
4.2. Đăng kí nhãn hiệu của Việt Nam tại nước ngoài theo hệ thống Madrid
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid là hệ thống đăng kí quốc tế đối với nhãn hiệu. Đây là hai điều ước đa phương tiêu biểu về đơn giản hóa quy trình thủ tục đăng kí bảo hộ quốc tế về quyền sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng. Việt Nam chính thức là thành viên của cả hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu nói trên từ năm 2006, do đó, nhãn hiệu của Việt Nam hiện nay cũng có thể được đăng kí theo phương thức đăng kí nhãn hiệu của hệ thống này.
Việc đăng kí quốc tế đối với nhãn hiệu trong hai điều ước quốc tế này được tiến hành theo quy trình như sau:
Thứ nhất, tiến hành nộp đơn yêu cầu bảo hộ
Việc bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài xuất phát từ yêu cầu bảo hộ của chủ nhãn hiệu hiệu hàng hóa quốc tế thông qua việc nột đơn yêu cầu bảo hộ hay còn gọi là “đơn đăng kí quốc tế”. Người nộp đơn có thể là một thể nhân hoặc một pháp nhân có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam; là công dân Việt Nam; hoặc cư trú tại Việt Nam. Có 3 loại đơn đăng kí bảo hộ quốc tế là: Đơn quốc tế chịu sự điều chỉnh của Thỏa ước; đơn quốc tế chịu sự điều chỉnh của Nghị định thư; và đơn quốc tế chịu sự điều chỉnh của Thỏa ước và Nghị định thư. Trong đơn đăng kí, phải chỉ định rõ nước nơi nhãn hiệu cần được bảo hộ và những nước này đều phải là thành viên của Thỏa ước và Nghị định thư.
Theo thỏa ước Madrid khi nộp đơn đăng ký bắt buộc nhãn hiệu phải được cấp Văn bằng bảo hộ tại nước sở tại. Còn theo nghị định thư Madrid người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký quốc tế ngay sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam mà không bắt buộc phải đến thời điểm nhãn hiệu đó được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.
Đơn quốc tế này được nộp đến Văn phòng quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam có trách nhiệm chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ theo quy định.
Thứ hai, về hiệu lực của đăng kí quốc tế
Hiệu lực của đăng kí quốc tế này phụ thuộc vào đơn nộp là đơn theo Thỏa ước hay đơn theo Nghị định thư Madrid.
Nếu đơn nộp theo Thỏa ước Madrid thì đăng kí nhãn hiệu sẽ có hiệu lực trong vòng 20 năm kể từ ngày đầu đăng kí và có quyền gia hạn thêm 20 năm kể từ khi hết thời hạn trước đó. Quy định của thỏa ước không giới hạn số lần gia hạn thêm, áp dụng cho mọi loại nhãn hiệu.
Nếu đơn nộp theo Nghị định thư Madrid thì đăng kí nhãn hiệu sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm và có thể được gia hạn. Nghị định thư cũng không hạn chế số lần gia hạn, vậy nên, tuy hiệu lực bảo hộ của Nghị định thư ngắn hơn Thỏa ước song nhìn chung vẫn tương tự như nhau.
Với cách thức đăng kí nhãn hiệu theo hệ thống đăng kí quốc tế Madrid, có thể thấy được những ưu điểm và hạn chế của cách thức này, cụ thể:
Về ưu điểm, trước hết thì hệ thống Madrid là quy trình đăng ký nhãn hiệu đơn giản, chỉ với một hồ sơ đăng ký duy nhất, bằng một ngôn ngữ (Theo Nghị định thư là tiếng Pháp, theo thỏa ước có thể là tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha) và một khoản phí thống nhất, người nộp đơn có thể sở hữu một đăng ký quốc tế với các chỉ định thành viên là một số hoặc tất cả 97 thành viên của hệ thống Madrid. Nếu nhãn hiệu được chấp nhận đăng ký tại thành viên, việc bảo hộ nhãn hiệu tại mỗi quốc gia được chỉ định sẽ giống như trường hợp nhãn hiệu được nộp đơn trực tiếp tại văn phòng đăng ký tại quốc gia đó.
Bên cạnh đó, cách thức đăng kí này giúp tiết kiệm về tài chính và nhân sự với mức phí nộp đơn thống nhất và thấp hơn nhiều so với nộp đơn trực tiếp tại từng quốc gia. Quy trình thẩm định nhãn hiệu diễn ra đúng hạn và thuận lợ. Thêm nữa, nhãn hiệu theo đăng ký quốc tế bị từ chối tại một thành viên không ảnh hưởng tới việc chấp nhận bảo hộ hay hiệu lực của nhãn hiệu tại thành viên khác do việc thẩm định nội dung nhãn hiệu tuân theo pháp luật của từng thành viên.
Về hạn chế, ngoài những ưu điểm nêu trên thì đăng kí nhãn hiệu theo cách thức này sẽ gặp phải một số hạn chế bao gồm:
Một là, nhãn hiệu trong đơn quốc tế phải y hệt như nhãn hiệu trong đơn cơ sở đăng ký cơ sở. Việc sửa đổi nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế là không được phép.
Hai là, quy định về danh mục hàng hóa và dịch vụ của đơn quốc tế phải trùng hoặc nằm trong phạm vi danh mục hàng hóa và dịch vụ của đơn cơ sở đăng ký cơ sở. Trong khi đơn cơ sở đăng ký cơ sở tại Việt Nam không theo danh mục hàng hóa và dịch vụ là tiêu đề nhóm theo Bảng phân loại Nice.
Trên đây là những thông tin cơ bản về việc đăng kí nhãn hiệu quốc tế. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Doanh Trí.
Hotline: 0962 515 363 hoặc Email: [email protected]
Luật Doanh Trí hân hạnh khi được đồng hành cùng Quý Khách hàng!
Bài viết ngày được thực hiện bởi: adconline
Chức vụ: Giám đốc công ty
Lĩnh vực tư vấn: Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp
Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA
Số năm kinh nghiệm thực tế: 10 năm
CÔNG TY TNHH
LUẬT DOANH TRÍ
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
MIỄN PHÍ 24/7
ĐẶT HẸN LUẬT SƯ, YÊU
CẦU DỊCH VỤ
Mục khác
- ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI MỚI NHẤT NĂM 2022
- BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ TẠI TỈNH NAM ĐỊNH MỚI NHẤT NĂM 2022
- HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN MỚI NHẤT NĂM 2022
- HỒ SƠ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ NĂM 2022 TẠI BÁC NINH
- ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT MỚI NHẤT NĂM 2022
- THỦ TỤC GIA HẠN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP MỚI NHẤT NĂM 2022
- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ TÊN THƯƠNG MẠI MỚI NHẤT NĂM 2022
- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN WEBSITE TẠI QUẢNG NINH MỚI NHẤT NĂM 2022
- Cập nhật những quy định mới về trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu
- Đăng ký bản quyền tác giả cho logo thương hiệu
- Ba điều cần biết trước khi đăng ký bản quyền tác giả
- Thuê người viết bài có vi phạm pháp luật không?
- Nhãn hiệu không phải nhãn hàng hoá - Một số khái niệm dễ nhầm lẫn với nhãn hiệu