10 CHÍNH SÁCH NỔI BẬT CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM NHẰM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ SAU DỊCH COVID -19
Mục lục
Đại dịch Covid-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn vào tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Sự bùng phát của dịch bệnh Virus Corona đã được tuyên bố là Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế và virus này đã lan đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù, Covid-19 vẫn đang tiếp tục lây lan nhưng điều quan trọng là cộng đồng cần phải hành động để ngăn ngừa sự lan rộng của virus, đồng thời làm giảm tác động của sự bùng phát dịch cũng như hỗ trợ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng bị áp lực về bán hàng và dòng tiền có khả năng phải tạm dừng hoạt động. Trước tình hình đó, Chính Phủ đã ngay lập tức ban hành các giải pháp liên quan đến thị trường và huy động nguồn lực nhằm giải quyết những vấn đề khẩn cấp trước mắt do đại dịch Covid-19 gây ra bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh trong giai đoạn hiện tại và tiến hành các hoạt động chuyển đổi số cả về vận hành và bán hang, trao đổi và đối thoại với các chuyên gia trong các lĩnh vực. Trong đó có 10 chính sách tiêu biểu và nổi bật nhất được thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân các nhà đầu tư vượt qua thời gian thử thách vừa rồi.
Để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời nắm bắt các chính sách, hỗ trợ của Chính phủ, Luật Doanh Trí xin gửi tới Quý doanh nghiệp, nhà đầu tư bản báo cáo này với hy vọng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thử thách hiện tại và nhanh chóng nắm bắt những ưu đãi về chính sách để sớm phục hồi và phát triển
I. KINH TẾ VIỆT NAM DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19
Từ đầu tháng 12/2019 đến 04/2020, đại dịch Covid- 19 đã lan ra 210 vùng lãnh thổ, với gần 6,8 triệu ca nhiễm, hơn 397 nghìn ca tử vong. Đến nay, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, lây lan với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam cũng không không phải là ngoại lệ. Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên trên thế giới, tình hình dịch bệnh vãn còn đang diễn biến phức tạp.
Đối với kinh tế thế giới, nhiều tổ chức quốc tế đã có những phân tích, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 . Theo kịch bản cơ sở của Citi Research 5, kinh tế thế giới sẽ suy thoái, tăng trưởng -2,3% năm 2020 trong đó tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 2,4%, của Mỹ -2,6%, của Nhật Bản -1,9% còn khu vực đồng tiền chung Châu Âu thậm chí tăng trưởng -8,4%. Chính phủ các nước đang phải chịu nhiều áp lực lớn nhằm giảm bớt tác động của Covid-19 tới nền kinh tế nước nhà. Ngân hàng Thế giới WorldBank cho rằng các nước đã và đang phát triển đang dần mất đi một nguồn thu quan trọng cho dù đã có các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Có thể thấy Việt Nam là nước chịu tác động mạnh và trực tiếp về nền kinh tế do đại dịch Covid-19. Những thách thức và khó khăn đã đặt ra đối với chủ yếu các doanh nghiệp Việt Nam khiến cho nhiều doanh nghiệp “chao đảo”. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (Quý II/2020) ước tính tăng 0,36%. Tuy nhiên, đây lại là mức tăng trưởng rất tích cực nếu so với các nước khác vào đúng cao điểm của Covid-19. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (Quý II/2020 ước tính tăng 0,36%).
Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3%, trong đó quý II ước tính đạt 1.154,9 nghìn tỷ đồng, giảm 5,8% so với quý trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động vận tải trong nước tháng 6 tiếp tục có xu hướng khôi phục trở lại với mức tăng 13,4% lượng hành khách vận chuyển và tăng 7,3% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tính chung 6 tháng, vận tải hành khách đạt 1.812,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 82,4 tỷ lượt khách.km, giảm 32,7% (quý II đạt 681,1 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 44,4% và luân chuyển 29,1 tỷ lượt khách.km, giảm 51,9%). Vận tải hàng hóa đạt 807,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 159,8 tỷ tấn.km, giảm 7,1% (quý II đạt 379,1 triệu tấn hàng hóa, giảm 15,4% và luân chuyển 77,3 tỷ tấn.km, giảm 12,1%).
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 984,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 18 nghìn doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.681,5 nghìn tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với 6 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 87,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng của công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%; ngành khai khoáng giảm 5,4% do sản lượng dầu thô khai thác và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.
Vì tình hình dịch thời gian vừa qua diễn ra phức tạp và để tránh lây lan rộng trong cộng đồng, Chính phủ đã thực hiện một số quyết định như cách ly xã hội, đình chỉ hoạt động sản xuất… dẫn đến hoạt động thương mai đã bị ảnh hưởng nhiều. Vậy các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện những chính sách nào trong thời gian khó khăn này?
II. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA VIRUS CORONA
Trong bối cảnh kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và các cá nhân vượt qua khó khăn. Dưới đây là một số chính sách nổi bật, Luật Doanh Trí xin được điểm qua như sau:
1. Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh
Đây là chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19tại Công văn 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020. Cụ thể, trong khoảng thời gian 3 tháng từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 6 năm 2020, đối với giá điện bán lẻ cho các ngành sản xuất và kinh doanh: Giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm.
Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định tại Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan): được hưởng mức giảm giá từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá.
Đối với giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt, giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 đến bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác tại Quyết định 648/QĐ-BCT.
Các khu công nghiệp, giá bán buôn điện cho chợ, mức giảm là 10% giá bán buôn so với biểu giá bán buôn điện tại Quyết định 648/QĐ-BCT.
Với chính sách hỗ trợ này của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã tiết kiệm được hàng triệu đồng, tiếp sức cho họ trở lại sản xuất, kinh doanh sau khi đại dịch được khống chế hoàn toàn.
2. Hỗ trợ về vốn
Thủ tướng đã có Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
3. Hỗ trợ về thuế
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn; Tổng cục Thuế đã có Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Công văn 897/TCT-QLN hướng dẫn trường hợp được gia hạn nộp thuế sau: "Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ". Hồ sơ, thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế được thực hiện theo khoản 3 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC.
4. Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất
BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 và Điều 28 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015.
BHXH không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
5. Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19là những doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên.
Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.
6. Gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuế đất
Nhằm chia sẻ khó khan với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh do bị ảnh hưởng dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP vè gia hạn thêm thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất.
Theo Điều 2 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất gồm 5 trường hợp sau:
- Trường hợp 1 gồm doanh nghiêp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: Nông lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt, sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; xây dựng,…
- Trường hợp 2 gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế : vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, giáo dục và đào tạo, y tế; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động thể thao vui chơi giải trí;…
- Trường hợp 3 gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khi trọng điểm
- Trường hợp 4 gồm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiêp nhỏ và vừa số và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Trường hợp 5 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
7. Miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với khách hàng mà:
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kề từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19;
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
8. Được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
9. Các mặt hàng hàng hóa nhập khẩu
Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thông quan hàng hóa cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC hướng dẫn về thời hạn, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ với hàng hóa nhập khẩu.
Thông tư 47/2020/TT-BTC tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, đã chấp nhận và hướng dẫn nộp C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử, C/O scan trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Tuy nhiên, căn cứ diễn biến dịch bệnh COVID-19trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ công bố chấm dứt hiệu lực của Thông tư này.
10. Giảm 50% phí trước bạ ô tô
Ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 70/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019 trước đó. Như vậy, kể từ ngày 28-6 đến hết năm 2020, xe ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Tổng Cục thuế trong ngày 28-6 cũng đã có công điện yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thu lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định số 70/2020 nêu trên. Mục đích của việc này là nhằm kích thích tiêu dùng trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/2020 kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
10 chính sách hỗ trợ được đề ra phía trên là những mở đầu mới trên con đường khôi phục sản xuất, phát triển doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Điều đó cho chúng ta có thể thấy rằng, song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp và các cá nhân để vượt qua thời gian khó khăn. Việc kiểm soát được dịch bệnh sớm cũng đã mang lại cho Việt Nam những lợi thế thuận lợi nhất định. Việt Nam được cho là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt sự ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh từ Trung Quốc lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân, nhà đầu tư cố gắng vạch ra những con đường mới mẻ làm tiền đề để tạo nên sức bật mạnh mẽ phát triển trong “thời gian vàng” này.
III. MỘT SỐ LƯU Ý CHO NHÀ ĐẦU TƯ VỀ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
Trước những chính sách của chính phủ và tình hình dịch bệnh hiện tại Luật Doanh Trí xin được ra một số lời khuyên cho doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp cần theo sát các thông tin chính thức công bố bởi Bộ Y tế, Chính phủ về tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam để vạch ra kế hoạch hành động cho doanh nghiệp mình. Nếu doanh nghiệp dựa trên thông tin không chính thống để hành động và nếu không may gây thiệt hại thì khó có thể chứng minh về tính hợp lý trong hành động của mình nếu có bị khiếu nại/khởi kiện bởi đối tác trong các thủ tục tố tụng tại Trọng tài hoặc Toà án.
- Doanh nghiệp cần giữ liên lạc tốt với các đối tác; rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng giữa mình với đối tác để xác định đúng mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp nhận định rằng mình không thể thực hiện đúng, đủ thỏa thuận trong hợp đồng do dịch bệnh thì phải thông báo sớm nhất có thể cho bên còn lại để các bên điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp với thực tiễn. Trong mọi trường hợp, sự thiện chí, hợp tác và sẵn sàng chia sẻ khó khăn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt được thiệt hại để vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch.
- Trường hợp tình huống đã căng thẳng và có khả năng dẫn tới tranh chấp, cần nghiên cứu và dự liệu phương án giải quyết tranh chấp phù hợp với tình huống cụ thể của mình.
Trên đây là các tổng hợp 10 chính sách của Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà đầu tư sau dịch Covid-19. Các chính sách này sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế và phục hồi kinh tế. Trong trường hợp quý khách vẫn gặp vướng mắc /hoặc cần hỗ trợ thêm vui lòng liên hệ với Luật Doanh Trí để tiếp tục được tư vấn.
Bài viết ngày được thực hiện bởi: nguyenthithuytrang
Chức vụ: Giám đốc công ty
Lĩnh vực tư vấn: Dân sự, Hình sự, Doanh nghiệp
Trình độ đào tạo: Thạc sỹ Luật, MBA
Số năm kinh nghiệm thực tế: 10 năm
CÔNG TY TNHH
LUẬT DOANH TRÍ
TƯ VẤN PHÁP LUẬT
MIỄN PHÍ 24/7
ĐẶT HẸN LUẬT SƯ, YÊU
CẦU DỊCH VỤ
Mục khác
- Văn bản pháp luật đất đai mới cập nhật 2019
- Bản tin cập nhật văn bản pháp luật số 01/2019
- Bản tin cập nhật văn bản pháp luật số 02/2019
- Bản tin cập nhật văn bản pháp luật số 03/2019
- BẢN TIN SỐ 01 CẬP NHẬT VĂN BẢN PHÁP LUẬT THÁNG 4/2020
- BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 10
- ĐIỀU KIỆN CHUNG VỀ QUY ĐỊNH AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
- BẢN TIN CẬP NHẬT VĂN BẢN PHÁP LUẬT THÁNG 03/2021
- BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 04/2021
- BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 5
- BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 6/2021